Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Quy định về xử phạt mũ bảo hiểm không đạt chuẩn: Mập mờ, khó thực thi! (10/07/2014)

Quy định về xử phạt mũ bảo hiểm không đạt chuẩn: Mập mờ, khó thực thi! (10/07/2014)
Theo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, từ ngày 1-7-2014, thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 171/2013 của Chính phủ, những người tham gia giao thông bằng môtô xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách sẽ bị xử phạt. 


Quy định này đã được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức chiến dịch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặc dù vậy cách hiểu về quy định xử phạt này vẫn không thống nhất, ngay trong nội bộ các cơ quan chức năng cũng như với người dân.

Quan sát những người lưu thông bằng xe máy trên đường có thể thấy còn khá nhiều người vẫn đội loại mũ bảo hiểm dạng thời trang, mũ lưỡi trai… Những người này vô tư cho biết "chỉ không đội mũ bảo hiểm” và "đội mũ bảo hiểm không cài quai” mới bị xử phạt. Chuyện tranh cãi với CSGT về việc xử phạt cũng đã xảy ra. Chiều 3-7 một cô gái khi đang lưu thông bằng xe gắn máy trên đường Tỉnh lộ 43, TP.HCM  đã bị CSGT phạt 150.000 vì đội mũ bảo hiểm thời trang. Cô cũng khẳng định đã nghe những người có trách nhiệm giải thích trên ti vi rằng chỉ khi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai mới bị phạt. Trong khi đó CSGT lại cho rằng cô đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách, không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô xe máy nên vẫn kiên quyết xử phạt. Dù tranh cãi với CSGT rất gay gắt nhưng cuối cùng cô gái vẫn phải ký tên vào biên bản và nộp phạt.

Như vậy có thể thấy chính sự không rõ ràng, mập mờ trong quy định về xử phạt liên quan tới việc đội mũ bảo hiểm đã khiến việc thực thi quy định này gặp khó khăn trong thực tế. Việc giải thích của  những người có trách nhiệm, của cơ quan quản lý trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng không thống nhất, khi thì khẳng định chỉ không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không cài quai mới bị xử phạt, khi thì cho rằng tất cả các trường hợp đội mũ không đạt chuẩn dành cho người đi môtô, xe máy đều bị phạt trong khi lấy gì để cảnh sát giao thông xác định chuẩn thì vẫn chưa rõ ràng. Việc qui định phải đội mũ có ba lớp, có dán tem hợp qui, có dòng chữ: "mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô xe máy” cũng không ổn vì những người sử dụng mũ bảo hiểm cũ còn tốt nhưng đã bị tróc tem theo qui định này cũng sẽ bị xử phạt là rất vô lý.

Để giải quyết vấn đề mũ bảo hiểm kém chất lượng hiện nay, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần qui định rõ ràng cho hai đối tượng xử phạt. Với người đội mũ bảo hiểm chỉ qui định xử phạt khi người đi môtô xe máy không đội mũ bảo hiểm đúng qui cách (có ba lớp và quai cài) và những người đội mũ có dòng chữ "không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô xe máy”. Bởi mũ có 3 lớp và dòng chữ trên thì bằng mắt thường cả cảnh sát giao thông và người dân đều phân biệt được. Qui định rõ ràng như vậy sẽ chấm dứt việc người dân đội các loại mũ thời trang, mũ lưỡi trai, mũ bảo hộ lao động. Với người sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm, cần qui định thật nghiêm khắc là tịch thu và tiêu hủy tất cả mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Những mũ không phải mũ bảo hiểm buộc phải có dòng chữ "không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô xe máy” để người tiêu dùng phân biệt, nếu không cũng sẽ bị tịch thu và tiêu hủy.

Nguyễn Thị Dung

Xử lý triệt để vi phạm sản xuất, 
kinh doanh mũ bảo hiểm giả

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có Công văn số 118/CV-UBATGTQG gửi Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đề nghị tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tiến hành kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ các loại mũ bảo hiểm có kiểu dáng bên ngoài giống mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe gắn máy nhưng không có dấu hợp quy, chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa; các loại mũ làm giả, làm nhái mẫu mã của các sản phẩm mũ bảo hiểm xe máy có uy tín; các loại mũ bảo hiểm xe máy không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Các đơn vị chức năng xử lý nghiêm, triệt để các vi phạm về sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm xe máy.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đề nghị Bộ này tổ chức thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm xe máy và công khai những cơ sở vi phạm, làm giả, làm nhái những thương hiệu mũ bảo hiểm xe máy có uy tín.

Mai Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét